“Có nên học Thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp Chương trình Cử nhân hay không và lựa chọn Chương trình thạc sĩ như thế nào” là điều mà nhiều bạn trẻ phải tìm hiểu và cân nhắc nhiều từ khi còn học Đại học.
Hôm nay, chúng ta hãy cũng gặp anh Trần Kim Dũng – cựu SV ITEC để tham khảo cách anh ấy quyết định học Chương trình Thạc sĩ nhé.
ITEC: Hi Dũng, Dũng có thể giới thiệu đôi nét về mình với các bạn SV ITEC?
Dũng Trần: Chào các bạn, mình là Trần Kim Dũng – cựu SV ITEC khóa 2 Chương trình Cử nhân CNTT liên kết giữa Trường ĐHKHTN, ĐHQG-HCM và ĐH AUT, New Zealand. Mình vừa hoàn thành Chương trình Thạc sĩ ngành Acoustical Information Science liên kết giữa ĐHQG-HCM và JAIST -Nhật. Hiện mình là nghiên cứu sinh của Trường Japan Advanced Institute of Science and Technology (JAIST).
ITEC:
Dũng từng có kinh nghiệm làm việc gì trong lĩnh vực IT trước đây? Điều gì là động lực để bạn quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu khoa học thay vì đi làm?Dũng Trần: Sau khi tốt nghiệp xong thì mình cũng đi xin việc làm như mọi người. Mình được TMA nhận vô làm Software Developer. Làm được 1 năm thì mình quyết định nghỉ việc để đi học tiếp.
Mình nghĩ rằng khi chúng ta chọn học ở ITEC thì mức độ nào đó chúng ta đang có ý hướng đến môi trường quốc tế, nên sinh viên ITEC đi du học hoặc làm việc cho công ty nước ngoài trong môi trường năng động là phản xạ tự nhiên. Một phần là môi trường học ở ITEC rất “Tây” làm mình cảm thấy tự tin và tò mò với môi trường giáo dục ở nước ngoài. AUT được xem là trường “xịn” trên thế giới, mình đã nghe giảng bằng tiếng Anh, làm các bài tập & đồ án bằng tiếng Anh. Vậy thì đi những chỗ khác chắc không khó hơn ITEC đâu, thử coi sao!
Một phần nữa chắc là do sở thích cá nhân, mình cảm thấy phù hợp với môi trường academic hơn môi trường công sở. Từ bé mình đã thích đọc sách và giải toán, sau khi tốt nghiệp Đại học - đi làm 1 thời gian mình nhận ra mình thích nghiên cứu khoa học hơn đi làm.
ITEC: Bạn có gặp khó khăn gì khi làm đề tài Thạc sĩ và Tiến sĩ không? Bạn khắc phục khó khăn đó bằng cách nào?
Dũng Trần: Trong quá trình làm việc thì mình gặp 2 khó khăn lớn nhất đó là kiến thức chuyên ngành và kiến thức toán. Có rất nhiều khái niệm và phương pháp đặc trưng của ngành mà mình phải tìm hiểu; ngoài ra, để tìm lời giải cho các vấn đề thì mình phải dùng các phương pháp toán học để tính.
Phương pháp khắc phục các khó khăn trên khá đơn giản đó là đọc sách và search Google.
ITEC: Chương trình học Cử nhân CNTT liên kết với ĐH AUT-New Zealand của Trường ĐHKHTN giúp ích gì cho bạn trong công việc tại thời điểm đó và việc học tập nghiên cứu sau này?
Dũng Trần: Tại ITEC thì chuyên ngành của mình là IT Service Science còn lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của mình là Speech Processing. Hai lĩnh vực này khác nhau rất nhiều, có thể xem là mình đã chuyển qua một ngành hoàn toàn khác nên mình phải làm quen với các kiến thức mới.
Kinh nghiệm làm R&D Project tại ITEC mới thực sự cần thiết trong lúc mình làm việc, cụ thể hơn đó là phương pháp nghiên cứu. Mặc dù phương pháp làm R&D Project và phương pháp nghiên cứu mình đang làm không hoàn toàn giống nhau nhưng trải qua làm R&D Project mình đã quen với những việc như là xác định vấn đề, tìm phương pháp giải quyết, viết research proposal, lập kế hoạch & deadlines, ...
Học ở ITEC cũng là cơ hội rất tốt để mình rèn luyện kỹ năng Anh ngữ - cụ thể hơn là kỹ năng đọc sách và tài liệu, thảo luận với thầy và các bạn, viết báo cáo bằng tiếng Anh. Ra nước ngoài rồi thì kỹ năng tiếng Anh sẽ giúp mình sống sót.
Không nhất thiết phải ra nước ngoài mới thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh. Saigon từ xưa đến nay là một thành phố quốc tế, mọi người ở khắp nơi trên thế giới đến Saigon để làm việc, du lịch. Do đó mình thấy rằng việc học bằng tiếng Anh ở ITEC sẽ giúp mọi người mở rộng thêm phạm vi làm việc.
ITEC: Vì sao bạn lại chọn Nhật bản để học Thạc sĩ và làm nghiên cứu sinh? Đất nước Nhật bản trong bạn như thế nào?
Dũng Trần: Mình nghĩ là do cái duyên với đất nước Nhật Bản, hihi. Người Việt Nam mình ra nước ngoài học tập và làm việc rất nhiều, mình có thể tham khảo thông tin từ nhiều nguồn để tìm cho mình lựa chọn phù hợp.
Mình ở bên này rất thoải mái, chỉ lo nghiên cứu khó quá không làm được thôi. Hầu hết các lab không có quy định thời gian làm việc, mình có thể dùng thẻ sinh viên để ra vào lab 24/7. Nói chung các thầy rất bận và mình cũng lớn rồi, mình phải tự làm mọi việc từ học môn lấy tín chỉ - lập kế hoạch nghiên cứu –hẹn nhóm - họp nhóm – “dí” thầy để hỏi bài - đến ý thức ăn uống nghỉ ngơi điều độ để đảm bảo sức khỏe...
Môi trường sống ở đây trong lành với 4 mùa xinh đẹp, người Nhật rất văn minh, lịch sự, thân thiện, tử tế và có nhiều lễ hội đặc sắc. Giao thông rất tốt, hầu như mình có thể đi bất kỳ đâu bằng các phương tiện công cộng. Xe hơi bên này không mắc như Việt Nam, mọi người ai thích đi du lịch có thể mua xe hơi chạy lòng vòng cho tiện. Nếu quy ra tiền VND thì Nhật Bản rất mắc nhưng mà thường thì học bổng sẽ đủ để có thể học tập ở bên Nhật.
ITEC: Vấn đề tài chính là một trong những lý do làm nhiều bạn chùng bước khi có ý định du học bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm săn - xin học bổng và làm thêm ở Nhật trong thời gian du học?
Dũng Trần: Theo mình thấy thì săn học bổng cũng giống như đi xin việc, người cấp học bổng sẽ xét học lực, CV, và phỏng vấn để tìm người tốt nhất. Mình là người đi xin học bổng thì chuẩn bị các loại giấy như bảng điểm, CV, bằng tiếng Anh, GMAT hoặc GRE. Sau đó đem nộp rồi chờ phỏng vấn. Về mặt tâm lý thì nhìn chung là rớt nhiều lần rồi sẽ quen :D
Theo mình biết thì có 3 loại học bổng chính phủ đó là JASSO, MEXT, và JSPS. Các bạn tham khảo thêm tại http://www.jasso.go.jp/en/about/organization/history.html.
- Học chương trình liên kết giữa ĐHQG-HCM và JAIST tại Trường ĐH KHTN, sinh viên hệ sandwiches (1 + 1) sẽ được nhận JASSO bao gồm miễn học phí và một khoản tiền hỗ trợ hang tháng cho toàn bộ khóa học (2 năm đối với master và 3 năm đối với PhD) và không đóng thuế. Nhận học bổng này thì mình có thể nhận thêm các học bổng khác.
- Học bổng MEXT thì khó hơn JASSO. Nghe bạn mình chia sẻ thì có 2 ách để xin MEXT, university recommendation và government recommendation. Quy trình xét duyệt khoảng 9 tháng đến 1 năm. Học bổng này mình không phải đóng học phí và được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng cho toàn bộ khóa học và không đóng thuế. Nhận học bổng này thì không được nhận các loại học bổng khác.
- Học bổng JSPS (https://www.jsps.go.jp/english/index.html) thì không được miễn học phí, được nhận tiền hỗ trợ hàng tháng và không đóng thuế. Nhận học bổng này thì không được nhận các học bổng khác và nếu không tốt nghiệp đúng hạn thì phải trả tiền lại cho người ta.
Học bổng doanh nghiệp thì mình biết có 1 loại là NEC c&c (Grants for non-Japanese researchers http://www.candc.or.jp/en/schedule.html). Học bổng này mình chỉ được nhận hỗ trợ hàng tháng trong 1 năm thôi, và mình phải báo cáo kết quả nghiên cứu cho họ. Nhận học bổng này mình có thể nhận các học bổng khác. Quy trình xét tuyển bao gồm nộp hồ sơ rồi chờ kết quả, nếu qua được vòng 1 sẽ được mời đi phỏng vấn, thường là mình sẽ làm thuyết trình về nghiên cứu của mình và người ta sẽ đặt câu hỏi và trả lời.
Ngoài ra, các bạn tham khảo thêm các loại học bổng khác tại http://www.studyjapan.go.jp/en/index.html.
Theo mình thì trước tiên nên xin professor vô làm cho lab của họ trước, sau khi phỏng vấn ok rồi thì hỏi professor về các loại học bổng và các kênh hỗ trợ, họ sẽ hướng dẫn cho mình.
Mình được biết sinh viên tại Nhật thì chỉ được làm thêm tối đa 15 giờ/tuần. Xin đi làm thêm khá dễ, chỉ việc lên phường nộp cái đơn, 30 giây là xong. Bạn nào không rành tiếng Nhật thì thường làm phụ bếp, phục vụ bàn ở nhà hàng, bạn nào khá tiếng Nhật thì làm ở cửa hàng tiện lợi, …
ITEC: Dũng có lời khuyên nào dành cho các bạn SV ITEC có ý định đi học Thạc sĩ ?
Dũng Trần: Theo mình nghĩ thì nếu như mình học tiếp cao học vì đam mê thì mình nên chọn nghiên cứu ngành mà mình thích. Lý do là con đường nghiên cứu rất gian khổ, nếu mình chưa đủ đam mê thì sẽ dễ nản và không có động lực để đi tiếp. Nếu mình chỉ muốn nâng cao trình độ để tìm được việc tốt hơn thì mình nên nghiên cứu kỹ thị trường lao động ở Việt Nam và các nước xung quanh để chọn ngành học phù hợp với công việc mình muốn làm trong tương lai. Mỗi hướng đi đều có những điều thú vị và khó khăn riêng, đam mê là một động lực không thể thiếu giúp chúng ta vượt qua thử thách và tìm thấy niềm vui trên con đường mình chọn.
Cám ơn Dũng vì đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn SV ITEC. Chúc bạn nhiều sức khỏe và thật thành công trong đề tài nghiên cứu của mình!